Vietstock - Thay đổi người kế nhiệm, Ả-rập Xê-út muốn đẩy mạnh kế hoạch cải tổ chăng?
Ả-rập Xê-út vừa có một người kế thừa ngôi vị mới, CNNMoney cho hay.
Trong ngày thứ Tư, King Salman đã công bố một sắc lệnh để đưa con trai ông là Hoàng tử Mohammed bin Salman lên ngôi vị Thái tử thay cho ông Mohammed bin Nayaf.
Tân Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman
|
Đây là sự thay đổi đầy bất ngờ thứ 2 trong bộ máy lãnh đạo của quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới và cũng là nền kinh tế lớn nhất của khu vực Trung Đông kể từ năm 2015. Và sự kiện này diễn ra khi gia đình hoàng gia này muốn đẩy mạnh sự thay đổi triệt để đến Ả-rập Xê-út.
Ả-rập Xê-út sở hữu 22% lượng dự trữ dầu khí trên thế giới. Đây cũng là thành viên lớn nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), và đã đóng vai trò dẫn dắt nỗ lực cắt giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.
Các chuyên gia phân tích cho hay việc thay đổi người kế nhiệm có thể đẩy mạnh kế hoạch cải tổ kinh tế nhưng chính sách dầu có thể không thay đổi.
Hoạt động kinh doanh dầu liệu có thay đổi?
“Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy và Ả-rập Xê-út sẽ tiếp tục vị thế lãnh đạo trong OPEC”, John Sfakianakis, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Vùng vịnh ở Riyadh, chia sẻ.
Các nỗ lực ổn định hóa giá dầu của Ả-rập Xê-út dường như đã vướng phải nhiều rào cản nhưng cũng đem lại những thành công nhất định. Cụ thể, giá dầu đã hồi phục từ mức gần 26 USD/thùng hồi đầu năm 2016 lên gần mức 50 USD/thùng, nhưng giờ lại bắt đầu trượt dốc khi đối mặt với sản lượng dầu ngày càng tăng ở Mỹ.
Mohammed bin Salman, 31 tuổi, đã mô tả dầu là “một cơn nghiện nguy hiểm”, và ông đã đẩy mạnh kế hoạch thoát dầu mang tên “Tầm nhìn 2030” (Vision 2030) – một kế hoạch chi tiết để đa dạng hóa nền kinh tế và phát triển vai trò của lĩnh vực tư nhân.
Các nhà phân tích cho biết sự thay đổi người kế nhiệm có thể đẩy nhanh các cuộc cải cách trên, và nhà đầu tư tỏ ra phấn khích đối với thông tin này – bằng chứng là cổ phiếu ở Riyadh đã nhảy vọt 5.5%.
“Sự chuyển đổi người kế nhiệm được công bố trong ngày hôm nay sẽ giúp củng cố tính bền bỉ và uy tín của tiến trình cải cách kinh tế ở Ả-rập Xê-út”, Tom Rogers thuộc Oxford Economics đã cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Vị Thái tử trẻ tuổi phải tập trung vào vấn đề việc làm
Một trong những ưu tiên quan trọng nhất là tạo việc làm cho những người trẻ tuổi. Khoảng 60% người Ả-rập Xê-út có độ tuổi dưới 30 và họ chiếm phần lớn trong 12% người thất nghiệp ở Ả-rập Xê-út.
Rogers cho biết mỗi năm, có khoảng 400,000 thanh niên tham gia vào lực lượng lao động.
“Ả-rập Xê-út hiện trong vị thế tốt hơn để đại diện cho giới trẻ và phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của họ”, Salman Al-Ansari, Chủ tịch của Ủy ban Các vấn đề Quan hệ công chúng Saudi Mỹ, cho biết.
Mohammed Bin Salman đã thiết lập mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 7% vào năm 2030. Ngoài ra, ông cũng muốn tăng tỷ lệ phụ nữ có việc làm lên 30%.
Các nhà phân tích cũng kỳ vọng lệnh cấm phụ nữ lái xe sẽ sớm được dỡ bỏ, mặc dù ông Mohammed bin Salman tỏ ra cẩn trọng hơn về vấn đề này.
Áp lực ngân sách dai dẳng
Các biện pháp để lấp đầy lỗ hổng lớn trong tình hình ngân sách của Chính phủ – xuất phát từ giá dầu thấp – cũng đã bắt đầu hình thành. Các loại thuế mới đã được ban hành, và các khoản trợ cấp về nhiên liệu và điện cũng được giảm bớt.
Các thay đổi khác thì không thành công như chính sách cắt giảm lợi ích của nhân viên Chính phủ đã bị đảo ngược chỉ sau vài tháng công bố.
Trọng tâm của chiến lược từ Mohammed bin Salman là bán 5% cổ phần của Aramco, công ty sản xuất dầu hàng đầu trên thế giới. Ông hy vọng việc này sẽ đem lại một lượng tiền lớn để đầu tư vào các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Các quan chức Ả-rập Xê-út cho biết họ kỳ vọng đợt IPO của Aramco sẽ có giá trị khoảng 2 ngàn tỷ USD. Còn các chuyên gia phân tích độc lập cho rằng giá trị của đợt IPO này chỉ gần mức 1.4 ngàn tỷ USD. Dù sao đi nữa, việc bán đi 5% cổ phần của Aramco có thể giúp huy động được 70-100 tỷ USD.
Hiện vị Thái tử trẻ tuổi vẫn phải đối mặt với một thực tế: giá dầu vẫn còn thấp. Công ty Al Rajhi Capital cho hay để Chính phủ Ả-rập Xê-út đáp ứng được nhu cầu chi tiêu trong năm 2017, quốc gia này sẽ cần giá dầu ở mức 54 USD/thùng, cao hơn mức hiện tại khoảng 10 USD. Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng lớn trong ngân sách chi tiêu của Ả-rập Xê-út, qua đó có thể trì hoãn một số khoản đầu tư đã dự kiến trước đó.